Làm gì để vẫn tự tin, năng động trong những ngày kinh nguyệt.
Khó chịu, hay cáu gắt, nhạy cảm, dễ khóc, hoặc những cơn đau bụng râm ran, nổi mụn… là những biểu hiện thường gặp của phụ nữ trong ngày đèn đỏ. Vậy, con gái đến ngày nên làm gì để cảm thấy dễ chịu và tốt cho sức khỏe hơn? Bài viết này sẽ giúp các bạn nữ lấy lại sự thoải mái và tự tin, năng động của phái nữ trong những ngày kinh nguyệt:
Kinh nguyệt là gì?
Khi con gái bắt đầu tuổi dậy thì, não bộ phát ra những tín hiệu để cơ thể sản xuất hormone, trong đó có hormone chuẩn bị cho việc thụ thai. Hormone này làm cho lớp niêm mạc tử cung dày hơn.
Tiếp đó, một trong hai buồng trứng sẽ phóng thích trứng (rụng trứng). Sau khi rụng, trứng sẽ di chuyển về phía tử cung để làm tổ. Nếu trứng không được thụ tinh với tinh trùng thì lớp niêm mạc của tử cung sẽ bong ra và chảy ra bên ngoài qua âm đạo. Đó chính là máu kinh nguyệt.
Sở dĩ kinh nguyệt xuất hiện đều đặn hàng tháng là do hệ thống nội tiết sinh sản này phối hợp hoạt động nhịp nhàng, bao gồm buồng trứng, tuyến yên, vùng dưới đồi. Hiện tượng kinh nguyệt chỉ xảy ra khi người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, bắt đầu từ thời kì dậy thì và kết thúc vào tuổi mãn kinh.
Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu: Kinh nguyệt là hiện tượng bong lớp niêm mạc tử cung có chu kỳ do sự tụt giảm đột ngột của estrogen hoặc estrogen & progesterone có tính chất lặp lại.
Ảnh hưởng của kinh nguyệt đến sức khỏe và tâm lý của chị em
1. Gây đau bụng
Đau bụng kinh là hiện tượng đặc trưng bởi các cơn đau bụng dưới ở nữ giới khi đến ngày đèn đỏ. Đến ngày hành kinh, tử cung sẽ co bóp nhiều hơn bình thường. Bụng thường xuất hiện các cơn chuột rút dữ dội.
Trong đó, đau bụng kinh nguyệt được phân chia làm hai dạng là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát với những triệu chứng cụ thể khác nhau:
– Đau bụng kinh nguyên phát xuất hiện sau kỳ rụng trứng, thường gặp ở nữ giới dưới 25 tuổi, chưa kết hôn hay sinh con. Khi bị đau bụng kinh, chị em không phát hiện biến đổi gì ở cơ quan sinh dục;
– Đau bụng kinh thứ phát thường gặp ở nữ giới mắc phải các bệnh phụ khoa như dính khoang tử cung, hẹp cổ tử cung, u dưới niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung. Khi bị đau bụng kinh ở dạng này, chị em có thể phát hiện biến đổi gì ở cơ quan sinh dục.
Những cơn đau bụng kinh dữ dội, kéo dài mấy tiếng, thậm chí là vài ngày có thể kéo dài ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh hoạt mỗi ngày của chị em phụ nữ, làm gián đoạn các công việc mỗi ngày.
Nhiều người không chịu nổi áp lực của những cơn đau bụng kinh mà phải nghỉ làm, nghỉ học, thậm chí bị choáng ngất, hôn mê. Nếu không chuẩn bị sẵn thuốc giảm đau bên người hoặc bị choáng ngất do đau bụng kinh khi đang một mình hoặc tham gia giao thông có thể đe dọa đến cả tính mạng.
Chuột rút do đau bụng kinh có thể lan ra khắp lưng, đặc biệt là thắt lưng. Theo đó nó gây nên hiện tượng đau thắt lưng khi đến kỳ kinh mà chúng ta sẽ nói đến ở mục tiếp theo.
2. Gây đau lưng, nhức mỏi người
Đau thắt lưng khi đến kỳ kinh là một triệu chứng phổ biến và diễn ra thường xuyên. Hiện tượng này có thể liên quan đến tình trạng viêm nhiễm tăng lên trong những ngày đèn đỏ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nữ giới có nguy cơ viêm cao hơn khi đến kỳ kinh nguyệt. Song song với đó là hiện tượng chuột rút ở bụng, đau lưng nhiều hơn so với những người khác.
Khi bị đau thắt lưng, cảm giác nhức nhối sẽ thuyên giảm bằng cách đấm bóp vào vùng bị đau. Vì thế, nhiều phụ nữ có thói quen đấm lưng trong thời gian hành kinh để giảm đau tại vùng này. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ chỉ khiến cơn đau nhức kéo dài hơn.
Cho nên, khi bị đau lưng bạn đừng quá lo lắng, cảm giác này sẽ hết nhanh chóng sau vài ngày. Nếu như muốn giải tỏa cảm giác khó chịu, bạn có thể thực hiện một số mẹo được hướng dẫn ở mục 3 để giảm đau nhức nhé.
3. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Một trong những yếu tố liên quan đến việc điều hòa chu kỳ giấc ngủ là hoạt động nội tiết.
Khi đến kỳ kinh nguyệt, cơ thể tăng cường sản sinh ra các hormone, hoạt động của hệ thống nội tiết tăng cường dẫn đến giấc ngủ của chúng ta cũng được điều chỉnh.
Theo một khảo sát của Quỹ giấc ngủ quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 70% phụ nữ trong kì kinh nguyệt nói rằng giấc ngủ của họ bị gián đoạn bởi những triệu chứng như đau ngực, đầy hơi, đau bụng và nhức đầu. Có thể thấy chính những cơn đau cũng là nguồn cơn khiến cho chúng ta ngủ không ngon giấc.
Tip tự tin kể cả khi kinh nguyệt đến
1. Chọn loại băng vệ sinh có khả năng thấm tốt
Nếu như bạn đã biết trước thời gian chu kỳ kinh nguyệt của mình, hãy chủ động chuẩn bị thật nhiều băng vệ sinh. Để tránh cảm giác ướt át, khó chịu, bạn nên chọn loại băng vệ sinh có khả năng thấm tốt. Đặc biệt, với những bạn gái có kinh nguyệt nhiều và kéo dài thì cần mua loại ban đêm, có độ dày và rộng hơn so với bình thường. Như thế, sẽ vừa giúp bạn cảm thấy thoải mái khi đi ngủ mà không sợ bị tràn và tránh “bị lộ dâu” khi mặc quần màu nổi.
2. Chọn quần chip đúng cách
Nhiều người nghĩ rằng, chọn quần chip bó sát giúp “đảm bảo an toàn”, giữ cho kinh nguyệt không bị tràn ra ngoài hoặc tránh ra nhiều… Đây thực sự là một quan niệm rất sai lầm. Thậm chí, điều này còn cực kỳ có hại cho sức khỏe “vùng kín”.
Mặc quần chip quá chật trong ngày “đèn đỏ” sẽ tạo áp lực cục bộ cho mao mạch tại “vùng kín” gây ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu, tăng ma sát âm đạo có thể dẫn đến phù nề. Bên cạnh đó, quần chip quá chật còn gây ra nhiều vết hằn, mụn đỏ, gây ngứa. Đặc biệt, nếu quần chip bằng chất liệu nilon không thấm mồ hôi thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển, gây bệnh phụ khoa. Những căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà về lâu dài có thể dẫn tới vô sinh.
Khi lựa chọn quần chip, nên chọn loại bằng vải cotton, thấm hút mồ hôi tốt để giữ cho “vùng kín” khô ráo, ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm. Trong những ngày “đèn đỏ”, nếu có điều kiện, hãy thay quần chip nhiều hơn 1 lần trong ngày và giặt sạch sẽ, phơi ở nơi thoáng gió cho khô ráo để đảm bảo vệ sinh.
3. Đi dạo nhẹ nhàng để cải thiện tinh thần
Thông thường, việc vận động mạnh trong thời kỳ kinh nguyệt là không nên. Tuy nhiên, nếu bạn đi bộ nhẹ nhàng, thư giãn thì sẽ giúp cải thiện tinh thần rất tốt. Hơn nữa, việc vận động đúng cách cũng làm giảm đi cơn đau bụng dưới của bạn trong chu kỳ hành kinh.
4. Chườm nóng
Để giảm đau lưng, bạn có thể dùng một chiếc khăn ấm hoặc chuẩn bị một túi chườm ấm để đắp lên vùng này. Luồng khí nóng sẽ thúc đẩy lưu thông máu, giảm xung huyết vùng chậu và khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
5. Mua sẵn thuốc giảm đau để sử dụng khi cần
Không ít bạn nữ thường gặp các cơn đau bụng dữ dội mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này, việc chườm nước nóng hay nghỉ ngơi sẽ không mang lại tác dụng quá nhiều. Vì thế, bạn có thể chuẩn bị sẵn cho mình những loại thuốc giảm đau phù hợp để tiện sử dụng khi cần. Hãy nhớ, bạn chỉ dùng khi cơn đau quá sức chịu đựng, không nên lạm dụng, sẽ ảnh hưởng nhiều đến dạ dày, thần kinh và các bộ phận khác.
6. Tránh xa các thức uống có cồn hoặc chất kích thích
Con gái đến ngày đèn đỏ sẽ có sự thay đổi cả về tâm lý và nội tiết tố trong cơ thể. Vì thế, lúc này việc nạp rượu, bia hay các chất kích thích khác sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, rối loạn sự tái tạo máu. Thay vào đó, bạn nên dùng nước ấm hoặc nước lọc trong những ngày này để cải thiện tình trạng tốt hơn.
Làm những điều mà chúng tôi vừa kể trên khi kỳ kinh nguyệt kéo đến và hãy cứ thả lỏng, lắng nghe cơ thể. Đừng quá lo lắng mà áp dụng các phương pháp cực đoạn khiến để lại hậu quả cho sau này. Chỉ cần bạn có kiến thức và am hiểu về bản thân mình, tinh thần và cơ thể bạn sẽ luôn luôn trong trạng thái tươi tắn, khỏe mạnh và tràn đầy tự tin mà không kỳ kinh nguyệt nào có thể cản trở.